Cá Koi được mệnh danh là quốc ngư – loài cá cảnh nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc. Thế nhưng, khi nuôi cá Koi ở môi trường nước không đảm bảo vệ sinh, không sạch sẽ, cá Koi rất dễ bị nhiễm bệnh. Bài viết dưới đây Bình Garden sẽ tổng hợp những bệnh thường gặp ở Koi và hướng dẫn bạn cách xử lý bệnh nhanh chóng, giúp cá mau khỏe, tung tăng bơi lội.
1. Trùng mỏ neo:
1.1. Nguyên nhân:
Trùng mỏ neo là 1 trong những bệnh thường gặp nhất ở cá koi. Bệnh do 1 loại ký sinh trùng giáp xác, có tên gọi tiếng anh là Lernaea – Anchor Worm gây ra. Loài ký sinh sinh trùng này bám chặt vào thân, đuôi koi, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Khi còn nhỏ trùng mỏ neo sống trong mang cá Koi, giai đoạn trưởng thành con đực và cái giao phối, sau đó con đực sẽ rời khỏi mang koi sống vài ngày trong nước rồi chết. Trùng mỏ neo cái thụ tinh và tồn tại trên thân cá Koi, hút dưỡng chất trong cơ thể cá, gây nên những vết thương chảy máu.
1.2. Triệu chứng:
Khi bị bệnh này, Koi thường lười ăn, ngứa ngáy, khó chịu, gầy yếu và bơi lội chậm chạp. Các vết thương do trùng mỏ neo gây ra tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn tấn công khiến bệnh ngày càng nặng.
1.3. Cách điều trị:
Dimilin là thuốc đặc trị trùng mỏ neo, rận cho cá Koi. Thuốc có thành phần thuốc trừ sâu nên bạn cần cân nhắc và cẩn thận khi sử dụng.
* Liều lượng thuốc: 1gr/m3
* Cách đánh:
– Ngày 1: Đánh liều 1, liều thuốc phụ thuộc vào thể tích hồ/bể cá Koi bị bệnh.
– Ngày 2: Không đánh thuốc
– Ngày 3: Đánh liều thuốc thứ 2 như liều 1, đồng thời thay 20% nước.
– Ngày 4, 5, 6 : Không đánh thuốc
– Ngày 7: Đánh liều thuốc thứ 3, thay 20% nước
– Ngày 8: Không đánh thuốc
– Ngày 9: Đánh liều thuốc thứ 4, thay 20% nước
– Ngày 10,11: Không đánh thuốc
– Ngày 12, 13, 14: Mỗi ngày thay 20% nước.
Trùng mỏ neo đẻ trứng trong nước và nở ra gây bệnh cho đàn cá nên cần theo dõi đánh 4 liều thuốc trong 14 ngày để tiêu diệt tận gốc cả trùng mỏ neo và trứng.
2. Bệnh đốm trắng ở cá Koi:
2.1. Nguyên nhân:
Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh phổ biến và thường gặp nhất ở cá Koi. Nguyên nhân gây ra bệnh đốm trắng đa phần là do nguồn nước không hợp vệ sinh, không sạch sẽ. Nấm trắng sẽ dính chặt trên da của cá Koi, khiến cá yếu dần…
2.2. Triệu chứng:
Trên thân cá xuất hiện các đốm trắng, giống như hạt muối và lây lan nhanh chóng sang các bộ phận khác. Do chúng sống bầy đàn nên khi một con mắc bệnh có thể lây lan sang những con khác. Cách tốt nhất khi phát hiện bệnh, chủ nhân nên cách ly cá Koi bị bệnh ra hồ nuôi riêng.
2.3. Cách điều trị:
– Tăng nồng độ muối trong hồ/ bể koi lên 0.5%/ngày, duy trì nhiệt độ trong bể 27 độ C.
– Cho 3-5 giọt xanh methylen hòa tan 20 lít nước và thay nước mỗi ngày một lần.
3. Bệnh đốm đỏ ở cá Koi:
3.1. Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây bệnh đốm đỏ là do vi khuẩn hình que Aeromonas Hydrophylla hoặc Pseudomonas gây ra. Cá Koi thường mắc bệnh vào khoảng tháng 3-4 âm lịch hoặc tháng 8-9 âm lịch.
3.2. Triệu chứng:
Biểu hiện cá Koi mắc bệnh đốm: trên thân cá xuất hiện các chấm xuất huyết đỏ. Vảy cá rụng thành từng mảng. Bên cạnh đó, chú cá Koi của các anh em cũng có dấu hiệu như bỏ ăn, bơi lờ đờ. Khi bệnh nặng có thể khiến vây bị rách hay cụt dần. Một số em còn bị lở loét, có mủ và nấm ký sinh, mắt lồi xuất huyết, mang tái nhợt…
3.3. Cách điều trị:
– Nếu nuôi cá ở ao: thay nước mới cho ao, bón vôi bột hoà nước, rải đều khắp ao với liều lượng 2 kg/ 100m2/2 tuần để nâng độ pH trong môi trường nước.
– Nếu nuôi cá trong hồ nhỏ, bạn có thể áp dụng phương pháp đánh muối với tetracyclin (1 khối nước = 1 vỉ tetracyclin + 1kg muối). Đánh muối liên tục trong 3 ngày.
4. Bệnh sán da, sán mang:
4.1. Nguyên nhân:
Bệnh sán da, sán mang cá koi xảy ra do chất lượng nước hồ/ bể cá bẩn, hàm lượng oxy trong bể kém, nồng độ chất hữu cơ cao.
4.2. Triệu chứng:
Mắc bệnh sán da, sán mang, cá koi sẽ có một vài biểu hiện như: dáng bơi không thẳng mà lạng lách, thường cựa thân vào đáy hoặc cạnh bể/hồ, co giật do ngứa mình, hay nhảy khỏi mặt nước. Sán hút máu cá gây ghẻ lở, thủng mang cá, nếu không được điều trị sớm sẽ khiến cá chết.
4.3. Cách điều trị:
Để điều trị bệnh sán da, sán mang bạn có thể sử dụng thuốc nuôi cá koi praziquantel. Ngâm praziquantel liều lượng 2g/1m3, đánh 2 liều cách nhau 2 ngày, chú ý trước khi đánh thay nước 20%.